Lê thị Bích Hồng đọc sách Nguyễn Ngọc Thiện

‘ THẤT THẬP NGŨ NIÊN GIEO NGỌC THIỆN’ (Đọc Nguyễn Ngọc Thiện Văn & Đời - NXB Hội Nhà văn, 2021, 1072 tr.) Nhà văn Lê Thị Bích Hồng (Hội Nhà văn Việt Nam) Nguyễn Ngọc Thiện – “Thiện lương nhân” Giữa những ngày đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện tìm cách an toàn đến tận nhà tặng tôi cuốn sách Nguyễn Ngọc Thiện Văn & Đời. Cầm cuốn sách trên tay đẹp trang nhã, dày dặn, tôi cảm phục, nể trọng, xúc động vô cùng nhà lý luận phê bình văn học suốt 55 năm qua bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp lý luận, phê bình văn học nước nhà. Người con xứ Kinh Bắc mang bút danh Thế Uẩn, Thiên Năng và Thi Yên rất có duyên với số 7 (sinh năm 1947, tót nghiệp Đại học về Viện Văn học cuối năm 1967, bảo vệ luận án Tiến sĩ Lý luận văn học năm 1987, vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997…) một đời mê mải với văn chương đã hiện thực hóa niềm đam mê vào học Tổng hợp Văn Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội). Từ chiếc nôi văn khoa đó, Nguyễn Ngọc Thiện và nhiều bạn đồng môn khóa VIII (1963-1967) đã trở thành các văn nghệ sĩ, nhà quản lý, nhà khoa học có tên tuổi, như: Trần Vũ Mai, Ngôn Vĩnh, Ngô Thế Oanh, Vũ Duy Thông, Bùi Công Hùng, Nguyễn Huy Thông, Phan Cung Việt, Chu Chí Thành, Vũ Huyến, Đoàn Tử Diễn, Nguyễn Kim Trạch, Nghiêm Minh Mẫn… Từ cuối năm 1967, anh về đầu quân và gắn bó chặng đường dài nghiên cứu khoa học ở Viện Văn học cho đến 7/2006 chuyển sang Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, trong gần 40 năm đó (1967-2006), anh có những khoảng thời gian gián đoạn. Sau gần một năm ở Viện Văn, năm 1968, anh nhập ngũ được biên chế vào Trường Sĩ quan Hậu cần với nhiệm vụ làm giáo viên dạy văn và sĩ quan chính trị- tuyên huấn. Năm 1974, trở lại Viện Văn học, năm 1978, Nguyễn Ngọc Thiện được Ban Bí thư TW Đảng cử biệt phái lên biên giới phía Bắc nhận nhiệm vụ cán bộ, đảng viên tăng cường. Năm 1980 trở lại Viện, sau đó nối tiếp 4 năm (1983-1987) đi làm nghiên cứu sinh tại Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1987, anh bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ văn học tại CHDC Đức rồi trở lại Viện Văn học đã gắn bó từ bước khởi đầu sự nghiệp. Năm 2002, TS. Nguyễn Ngọc Thiện được phong chúc danh khoa học Phó Giáo sư Ngữ Văn; Nghiên cứu viên cao cấp. Từ năm 2002 đến nay, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đảm nhận thêm một số nhiệm vụ khác: Ủy viên Hội đồng Lý luận – Phê bình VHNT. Trung ương (2002-2006, 2011-nay); ủy viên Hội đồng Lý luận – Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam (2007-2011); ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận – Phê bình Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (từ 6/2014)… Do có thời gian gián đoạn, luân chuyển nhiều vị trí công tác, nên gần 30 năm sau (1995), anh mới xuất bản công trình nghiên cứu đầu tay Văn chương và tác giả (tiểu luận – phê bình) và kể từ đó đến nay (1995-2021), PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã góp vào đời sống văn chương đất nước: 9 cuốn sách lý luận – phê bình văn học nghệ thuật in riêng, 40 tác phẩm chủ biên và 57 sách in chung (chưa kể tác phẩm đăng tải trên báo chí). Ở anh, tôi thấy toát ra là người trung thực, hiền minh, lịch lãm, đôn hậu, khiêm tốn, chịu lắng nghe, tự học hỏi, yêu sách vở, quý trọng tri thức, đam mê tâm huyết với sự nghiệp chuyên môn. Đúng như nhận xét của GS. VS.Hoàng Trinh: “Nguyễn Ngọc Thiện bước vào làng nghiên cứu, trở thành cán bộ Viện Văn học, liền sau khi anh tốt nghiệp xuất sắc từ khoa Văn, Đại học Tổng hợp, Hà Nội. Khi đó anh còn rất trẻ, vừa chớm bước vào tuổi đôi mươi. Rồi bẵng đi một dạo anh đi công tác tăng cường cho miền núi, rồi đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Cuối những năm 80, từ Cộng hòa dân chủ Đức về nước, với học vị Tiến sĩ (A) thuộc chuyên ngành lý luận văn học ở tuổi tròn 40”. Nhà văn Ma Văn Kháng khẳng định “PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện - con người như tên gọi”. TS. Đỗ Phương Thảo – Giám đốc Trung tâm công tác Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã nói về người thầy hướng dẫn mình làm nghiên cứu sinh với bao tình cảm trân quý: “Nhìn về những ngày tháng ấy, thầy tôi đã dạy tôi không chỉ cách thức phương pháp của một người làm khoa học mà còn dạy tôi rất nhiều về cách sống, lối ứng xử trong đời. Một đời cần mẫn nghiên cứu, kể cả khi công tác ở Viện Văn học hay ở tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, thầy chỉ tập trung, chăm chú vào công việc của mình, hết lòng, hết sức vì công việc. Không bị tác động vào hào quang của người khác, không bị ảnh hưởng bởi bạc tiền, thầy tôi cứ thế sống bình thản, ung dung, tự tại. Trong dòng đời đầy biến thiên dâu bể, khi bao người bị thiêu đốt bởi tham vọng, thầy tôi điềm nhiên vượt qua mọi khó khăn, bình yên, vững chãi như những tán cây bên hiên ngôi nhà sang trọng của thầy”. Nguyễn Tự Lập đánh giá PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện “3 trong 1”, đó là “Người có tâm, có tầm, có đức”. Phan Thanh Vân nhận định: “Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện - sự kết hợp hài hòa của tâm hồn nghệ sỹ, tư duy khoa học và trái tim nhân hậu”. Ông xứng đáng goi là “Người Hay”, tức Thiện nhân. PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện tâm sự những điều “gan ruột” về nghề văn: Trong văn chương, chỉ ỷ vào tích lũy vốn sống và tài năng thiên bẩm là không đủ. Nó luôn đòi hỏi sự huy động hết mình, nội lực và những năng lực tiềm ẩn: sự thăng hoa và hứng khởi bất chợt; miền tâm thức và tâm linh bảng lảng, ám ảnh đến dai dẳng; những ẩn ức bức xúc bất thần dội lên từ gan ruột… Đúng văn chương – một vùng bí ẩn, âu cũng là duyên phận người như anh đã trải lòng. Xin chúc mừng PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện – Thế Uẩn: nhà nghiên cứu khoa học, nhà báo văn nghệ; người Thiện hiền minh; người con thấm đẫm văn hoá Kinh Bắc quê hương đón tuổi 75: Thất thập ngũ niên gieo Ngọc Thiện Một đời đèn sách hái phúc lành ! Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Ngọc Thiện tự chụp cho mình tấm ảnh đứng kề bên vế của câu đối trên gác chuong chùa Hà gần nhà mình: “Cao môn xuất nhập Thiện lương nhân!” Nguyễn Ngọc Thiện – Người Văn Nguyễn Ngọc Thiên từng nhờ nhà thơ, nhà Thư pháp học Trần Đăng Thao chép lại giup ông một vế đối bên mặt trong cửa bên chùa Hà nói tren câu “Phúc thần sự nghiệp hiển Văn chuong”, để ông treo trong Thư viên nhà minh, vì theo ông câu đó rất phù hợp với những người cầm bút viêt văn. Cuốn tiểu luận – phê bình Nguyễn Ngọc Thiện Văn & Đời do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý III năm 2021, có sự hiện diện của 91 cây bút là những bậc thầy, đồng nghiệp, bạn bè, môn sinh gần gũi với PGS.TS Nguyễn Ngọc trong nhiều chục năm qua. Nhà khoa học bật mí một cách chân thành sự “mạo muội” và mạnh dạn tuyển chọn làm thành tập sách với tựa đề: Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và Đời,là muốn chọn lọc tập hợp “những bài viết có ý nghĩa học thuật giúp vào việc tìm hiểu, nghiên cứu tiến trình tư duy lý luận - phê bình văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay. Nhận thấy những bài viết đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cùng các sự kiện lớn, các tác gia, tác phẩm đặc sắc rất cần được lưu lại trong cuốn sách này”. Cuốn tiểu luận – phê bình Nguyễn Ngọc Thiện Văn & Đời ra đời là minh chứng cho sự nghiêm túc, cẩn trọng, tâm huyết “lặng lẽ dâng cho đời” thành quả rất đáng nể phục. Như một “kiến trúc sư”, cuốn sách được thiết kế công phu, tỉ mỉ, hài hòa giữa nội dung và hình thức,dày 1072 trang, khổ 14,5x 20,5 cm, kết cấu thành phần 3: Phần I: Từ góc nhìn khoa học chuyên ngành; Phần II: Trong tình đồng nghiệp liên tài, tri kỷ; Phần III: Tự thuật – Hồi ức – Đối thoại; Phần Phụ lục cuối sách. Phần I: Từ góc nhìn khoa học chuyên ngành Trong phần I, tác giả rất cẩn thận, chỉn chu đưa ảnh bìa và sự miêu tả sách theo chuẩn nghiệp vụ Thư viện học của 21 đầu sách tác giả in riêng, chủ biên, sưu tầm, biên soạn: Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935-1939, Hải Triều - nhà lý luận tiên phong, Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XX, Tuyển tập Thơ văn xuôi (Việt Nam và nước ngoài)…Trong đó có 8 cuốn sách riêng của Nguyễn Ngọc Thiện. Tác giả đã chọn lọc 75 bài viết của 45 cây bút các thế hệ xuất bản từ 1996 đến 2021 đã đăng trên sách báo, tạp chí chuyên ngành, như: Nhân đọc tập tiểu luận phê bình văn họcmơi xuất bản gần đây”( Hoàng Trinh ) “Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935 – 1939 (Nguyễn Sơn), Thêm một nỗ lực làm rõ diện mạo phê bình văn học (Lại Nguyên Ân), Truyền thống và đổi mới phê bình văn học (Bùi Việt Thắng), Cuộc mở đầu biến thông, ngoan mục ( Trần Đình Sử); Tuyển tập thơ văn xuôi ( Nguyễn Xuân Nam; Tao Đàn 1939, một bộ sưu tập quý (Vũ Phương), Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ (Nguyễn Văn Tùng), Nguyễn Ngọc Thiện - nhà “Ma Văn Kháng học” và cơ duyên số 7 (Lê Thị Bích Hồng)… GS.VS. Hoàng Trinh nói về thế hệ kế cận, “truyền nhân” trên con đường nghiên cứu khoa học của mình: “Nguyễn Ngọc Thiện hăng hái và tâm huyết nhập ngay vào công cuộc đổi mới đang diễn ra sôi nổi trên các lĩnh vực của đời sống nước ta, trong đó có lĩnh vực chuyên môn của anh. Với niềm khao khát thể hiện sự đổi mới tư duy về nghiên cứu văn học, anh viết ngay một số bài nhằm nhận thức lại, đánh giá lại một số hiện tượng văn học, vấn đề văn học quá khứ. Chọn góc độ tiếp cận từ phương diện bản thể đặc thù (tính nghệ thuật), anh cố gắng khám phá đặc trưng sáng tạo mang dấu ấn phong cách riêng của mỗi nhà văn, bút pháp độc đáo của nghệ sĩ ngôn từ qua từng tác phẩm thuộc thể loại của nó, từ đó trân trọng những tìm tòi, đóng góp khác nhau của từng bản lĩnh tác giả, khi họ vững tâm đi trên đại lộ của nghệ thuật: phục vụ cho đời sống xã hội, làm phong phú, đa dạng thêm những phương cách tiếp cận, cách nghĩ, lối cảm hướng về Chân, Thiện, Mỹ, trước những đối tượng mang tính thẩm mỹ cao”. Trong số 21 cuốn sách được phê bình ở Phần I, có 8/9 cuốn sách riêng của Nguyễn Ngọc Thiện: Văn chương và tác giả (Nxb Thanh niên, 1995), Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ (Nxb Hội Nhà văn, 2000), Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh? (Nxb. Khoa học xã hội, 2004), Phong cách và đời văn, (Nxb. Khoa học xã hội, 2005), Lý luận, phê bình và Đời sống văn chương (Nxb Hội Nhà văn, 2010), Văn chương, nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận (Nxb Hội Nhà văn, 2015), Thăng hoa sáng tạo và Thẩm mỹ tiếp nhận văn chương (Nxb Hội Nhà văn, 2018), Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật (Nxb Hội Nhà văn, 2020). Riêng cuốn Tuyển tập nghiên cứu phê bình 1974-2017 (Nxb Hội Nhà văn, 2020) do Đề án bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam tài trợ, do phát hành chậm trễ, tác giả chưa đưa vào cuốn sách này. Về chuyên luận đầu tay Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh? GS. Hà Minh Đức đánh giá “Chuyên luận do tác giả Nguyễn Ngọc Thiện thực hiện là một công trình nghiên cứu công phu. Tác giả đã trình bày vấn đề theo quan điểm lịch sử, chú trọng đến những diễn biến của cuộc tranh luận suốt từ 1935 cho đến 1939. Từ chỗ đứng hôm nay để nhìn lại, tác giả đã tỏ ra thấu lý, đạt tình trong cách đánh giá các hiện tượng văn học trong quá khứ. Đặc biệt người làm sách muốn để người đọc có dịp tiếp xúc với chính những văn bản của cuộc tranh luận, nên phần tư liệu cần được ghi nhận như một đóng góp đáng trân trọng. Từ đó chúng ta mong có những nhận định mới mẻ hơn về cuộc tranh luận văn học quan trọng này”. Về cuốn Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho rằng sức nặng của cuốn sách nghiêng về các vấn đề lý luận và tư tưởng văn học qua các hiện tượng, các tác giả cụ thể bởi “sở trường của tác giả là nghiên cứu các vấn đề lý luận và phê bình văn học. Tuy nhiên không phải vì thế mà các bài viết ở phần hai bị mờ nhạt. Với tư duy sắc sảo và nhạy cảm của một người làm lý luận, những cảm nhận, kiến giải của anh về các hiện tượng văn học có sức thuyết phục đáng kể”. Cuốn tiểu luận phê bình Phong cách và đời văn đã “Tiếp nối hai cuốn tiểu luận - phê bình Văn chương và tác giả (1995) và Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ (2000), tập sách mới Phong cách và đời văn (2005) bộc lộ những chuyển biến trong quan điểm và phương pháp tiếp cận cũng như sự đánh giá các hiện tượng văn chương của người viết. Là người tâm huyết và theo sát sự chỉ đạo về đường hướng phát triển văn hóa nghệ thuật của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng khao khát chiếm lĩnh chân lý nghệ thuật, tìm đến bản chất đích thực của văn chương, Nguyễn Ngọc Thiện cố gắng tìm ra cho mình một cách tiếp cận riêng phù hợp với đối tượng lựa chọn” ( TS.Cao Kim Lan). Đọc Lý luận, phê bình và Đời sống văn chương – cuốn sách được Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận - phê bình VHNT Trung ương năm 2013, GS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng đánh giá: “PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện đã có nhiều công sức đóng góp cho nghiên cứu, lý luận phê bình văn học Việt Nam đương đại. Văn phong của ông sáng sủa, lập luận có lý, có tình, một số bài sắc sảo, có gợi ý thú vị, thỏa đáng”…Phần II: Trong tình đồng nghiệp liên tài, tri kỷ Từ những góc nhìn riêng, 46 bài viết của đồng nghiệp các thế hệ, môn sinh… đã thể hiện những suy nghĩ về cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện. Phần này đa số là những bài viết mới gần đây của các bậc đàn anh, bạn bè, như: Phương Lựu, Hồ Sĩ Vịnh, Ma Văn Kháng, Nguyễn Ngọc Căn, Hà Công Tài, Trần Thị Việt Trung, Đỗ Phương Thảo, Nguyễn Tự Lập,Cao Thị Hồng. Bùi Như Hải… Nhận xét về Nguyễn Ngọc Thiện “Nhà Ma Văn Kháng học”, nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng: “Cái tài ở anh (Nguyễn Ngọc Thiện) khiến anh nhận ra những cái tốt, cái đẹp trong sự bình dị thường ngày. Cái tài của anh là cái tài ẩn mình trong sự giản dị.Trong sự đọc thiên kinh vạn quyển, học nhiều hiểu rộng. Trong năng lực khái quát. Trong sự nhạy cảm. Trong những chia sẻ và nhận biết tinh tường. Trong tình thương mến ấm áp bạn bè…”. Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh nhận xét “Ở trang viết nào của Nguyễn Ngọc Thiện cũng hiện rõ sự nhận thức đúng mực, không ồn ào, không cực đoan phía tả hoặc phía hữu, ôn tồn ngay cả khi đấu tranh để bảo vệ chân lý trước những hiện tượng tư duy nông nổi, nhân cách suy thoái của một vài người trẻ, mắc bệnh vĩ cuồng…”… Phần III: Tự thuật – Hồi ức – Đối thoại Đây là phần tự thuật của riêng Nguyễn Ngọc Thiện về bản thân, gia đình, dòng họ, quê hương, tác phẩm, những hồi ức về những kỷ niệm đáng nhớ trong đường đời và đặc biệt là bản tự nhận xét rút ra trong Hồ sơ khoa học về 7 tác phẩm in rieng của Nguyễn Ngọc Thiện. Phần này gồm 22 bài, trong đó cũng cho đăng lại bài viết trao đổi với một bạn văn về vấn đề quan trọng làm nên “thương hiệu” của người cầm bút: vấn đề bản quyền tác giả. Tác giả phác họa chân dung các bậc đàn anh, bậc thầy… đã là những tấm gương lao động khoa học và nghệ thuật dẫn dắt anh vào nghề và trưởng thành, như: GS.VS. Hoàng Trinh, GS. Hoàng Xuân Nhị,GS. Đinh Gia Khánh,thầy chủ nhiệm GS. Hà Minh Đức, nhà nghiên cứu Hoài Thanh, PGS. Nam Mộc,GS Phương Lựu, nhà văn Ma Văn Kháng… Phần Phụ lục Công bố 3 Thư mục : Cùng một tác giả;Các bài viêt nghiên cứu, phê bình về tác giả;Hợp tác khoa học Thày-Trò trong Đào tạo Sau Đại học. Phần này này có nhã ý tuyển chọn một số ít bài thơ, câu đối vui, tác phẩm nghệ thuật (tranh, tượng, ảnh) mà các bạn văn nghệ sĩ đã trân quý ứng tác làm quà tặng cho Nguyễn Ngọc Thiện để đời. Đó là câu đối của GS Vũ Khiêu; Thơ chữ Hán Tặng Thiện công (Lê Quang Tư); thơ Mừng Em thọ 75 (nhà thơ Ngọc Căn); bức thư pháp “Phúc thần sự nghiệp hiển văn chương” (nhà thơ Trần Đăng Thao). Chân dung bằng các chất liệu khác nhau, như: Tượng chân dung thạch cao, tượng chân dung đồng của nhà điêu khắc Châu Đình Dzu. Tượng chân dung đất nung của nghệ nhân Hương Canh. Chân dung ký họa trên đĩa của (HS. Quang Chiến, HS.Trần Nhương); Tranh chân dung cắt giấy (HS. Vũ Anh); chân dung ký họa chì (HS. Hà Huy Chương, HS. Vũ Anh, ); chân dung ký họa bút bi 1 nét (HS. Nguyễn Khánh Toàn); Chân dung ký họa mực nho (HS. Vũ Xuân Dương, chân dung sơn dầu, acrylic của các nữ họa sĩ Tố Oanh, Phương Dung. Mang sứ mệnh ‘Tam Anh” : nhà văn - nhà báo, nhà giáo tác giả Nguyễn Ngọc Thiện có nhiều điều kiện tiếp cận những vấn đề mới và “nóng” trên mặt trận văn nghệ., khoa học và giáo dục. Anh bộc lộ tư chất của một nhà báo văn nghệ khi kết hợp hài hòa kiến thức văn nghệ và kinh nghiệm làm báo. Thành công của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện được hội tụ bởi nhiều yếu tố: con người đam mê công việc, tích lũy tri thức, tinh thần cầu thị, người đi trước giúp người đi sau, tìm học trò truyền nhân cho mình; nhà nghiên cứu khoa học có nền tảng tri thức vững; ngoại ngữ tốt… Nhà văn Ma Văn Kháng đánh giá cuốn sách Nguyễn Ngọc Thiện Văn & Đời là một cuộc hợp đàn kỳ diệu. Một lần nữa tôi xin nối tiếp vào tặng PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện nhân dịp có sách mới vui đón tuổi thất thập ngũ 7 chữ quý và may mắn: “Thất thập ngũ niên gieo Ngọc Thiện”… . Hà Nội, tháng IX năm 2021

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi ký Thơ phổ nhạc

Mình thăm Hollywood u s a -1 6 2021