Nguyễn Ngọc Thiện -Văn & Đời , đôi điều cảm nhận Th.S. Nguyễn Thị Bình ( Hội Nhà văn Việt Nam)

Nguyễn Ngọc Thiện -Văn & Đời , đôi điều cảm nhận Th.S. Nguyễn Thị Bình ( Hội Nhà văn Việt Nam) Cầm cuốn sách đồ sộ: Nguyễn Ngọc Thiện -Văn & Đời (NXB Hội Nhà văn, tháng 8, năm 2021) của Nhiều tác giả, viết về PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện còn “nóng hổi”, tôi vô cùng khâm phục, thích thú và tự hào, muốn viết “một cái gì đó”... Nhưng viết gì đây? Bao lần tôi tự hỏi mình như vậy. Ngợi ca ư? Cảm phục ư? Đã có biết bao lời hay, ý đẹp dường như các bậc đàn anh và những bạn văn đã dành cho thầy cả rồi. Mà đó không phải là những từ ngữ “có cánh”. Nó xuất phát từ sự đóng góp đáng trân trọng của thầy cho sự nghiệp Lý luận, Phê bình văn học nước nhà trong suốt 55 năm cầm bút. Và còn đúng hơn, tất cả đều bắt nguồn từ tầm văn hóa, tư tưởng, đạo đức của một người làm khoa học vô cùng bình dị mà uyên bác. Tự nhủ, thôi thì nghĩ sao viết vậy, âu cũng là cách bày tỏ sự ngưỡng mộ và trân quý đối với một người thầy, một đồng nghiệp đã vào tuổi 75, mà không hề “xuống sức”, vẫn bền bỉ dẻo dai, cống hiến hết mình cho khoa học. Nhận sách tặng từ thầy, tôi hăm hở say mê, lật dở từng trang, từng trang và dừng lại ở những tấm ảnh chọn lọc khá nét, những bức họa, câu đối rất tài hoa, minh họa cả cho Đời và Văn, rồi lại háo hức với các trước tác của thầy, cùng những bài viết của những “cây đại thụ” nức tiếng trong làng văn chương, những đồng nghiệp, môn sinh… nói lên những cảm nhận, đánh giá mang tính khoa học về Văn và Đời của thầy. Bố cục của sách, từ chương mục nội dung cho đến tài liệu tham khảo, phụ lục, thậm chí cả mục lục … đều được làm rất chuẩn chỉ, khó mà tìm ra sai sót. Tôi chợt nghĩ, sao không gọi thầy là “chuyên gia” làm sách nhỉ? Với cuốn sách này, người đọc không chỉ cảm phục sự tỉ mỉ, công phu, mà còn thấy được năng lực khái quát thẩm mỹ, khoa học, uyên bác của một người thông minh, tinh tế, cần mẫn, suốt đời dâng hiến. Có thể khẳng định cuốn tiểu luận- phê bình Nguyễn Ngọc Thiện -Văn & Đời đạt đến độ chuẩn mực ở cả nội dung và hình thức. Nhìn bìa ngoài, sách đẹp một cách lịch lãm, sang trọng, hấp dẫn. Nội dung gồm 3 phần chính: Phần I: Từ góc nhìn khoa học chuyên ngành. Phần này có ảnh bìa của 21 đầu sách, trong đó có 9 đầu sách in riêng, còn lại là sách tác giả là chủ biên; có 75 bài viết với những chiều kích khác nhau của các bậc đàn anh, bạn bè, đồng nghiệp, môn sinh… nhưng tất cả đều tập trung làm sáng tỏ sự cống hiến và tài năng của Nguyễn Ngọc Thiện. Ví như GS.VS. Hoàng Trinh đã chỉ ra ưu điểm vốn có ở cây bút Nguyễn Ngọc Thiện như sau: “Thao tác nghiên cứu công phu, trung thực…trân trọng di sản lý luận và thành tựu nghiên cứu của những người đi trước…chừng mực trong lời lẽ, điềm tĩnh, không cực đoan, bó hẹp, luôn gợi mở, chân tình trong trao đổi ý kiến”. GS. Hà Minh Đức cũng cho rằng: “tác giả (Nguyễn Ngọc Thiện) đã tỏ ra thấu lý, đạt tình trong cách đánh giá các hiện tượng văn học quá khứ…”. Như vậy, mỗi đầu sách của Nguyễn Ngọc Thiện đều có ít nhất là 2, nhiều là 11 bài viết của các nhà lý luận, phê bình đánh giá, bàn luận. Ở đây, không chỉ có ý kiến của những người nổi tiếng trong “làng” lý luận phê bình, như GS.VS. Hoàng Trinh, GS. Hà Minh Đức, GS. Trần Đình Sử, GS.VS. Hồ Sĩ Vịnh, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS. Nguyễn Thanh Tú, PGS.TS. Vũ Nho… Các nhà phê bình danh tiếng Phạm Xuân Nguyên, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Xuân Nam… mà còn có rất nhiều ý kiến của các nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, cử nhân… những người không mấy tên tuổi, đều được PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện trân trọng (mà không hề có sự phân biệt nào). Đó là điều tôi vô cùng trân quý. Phần II: Trong tình đồng nghiệp liên tài, tri kỉ: gồm 46 bài viết của các bậc đàn anh, bạn bè, đồng nghiệp, môn sinh, nói lên những ấn tượng và cảm nghĩ về Văn và Đời của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện. Nếu như ở phần I, các bài viết đều tập trung làm sáng tỏ cái tài của Nguyễn Ngọc Thiện, thì phần II này, người đọc sẽ thấy được cả tài và tâm củanghiên cứu sinh làm luận án Tiến sĩ Ngữ văn…Trong vai trò là Tổng biên tập, ông đã điều hành và cho xuất bản 174 số tạp chí định kì hàng tháng… Ở phần “ Hồi ức”, với quan niệm “Ăn quả nhớ người trồng cây”, ông đã dành những trang viết trang trọng, khắc họa chân dung những người thầy, những bậc đàn anh đã dẫn dắt ông vào nghề, để ông có được thành công như ngày hôm nay (GS.VS. Hoàng Trinh, GS.NGND. Hoàng Xuân Nhị, GS.NGND. Đinh Gia Khánh, GS. Hà Minh Đức, nhà phê bình Hoài Thanh, PGS. Nam Mộc, GS. Phong Lê, PGS. Nguyễn Phúc…). Sáng tác của ông có rất nhiều, nhưng ông chỉ dành số ít bài để “Đối thoại”, gọi là “tác phẩm của chính mình”, có thể chừng đó chưa đủ để nói về trước tác của ông, nhưng ít nhiều ta cũng hiểu được bút pháp, giọng điệu, hay đó là tài văn của Nguyễn Ngọc Thiện. Mà cũng không cần nhiều, trên 100 ý kiến bàn luận, nhận xét, đánh giá về các tác phẩm của ông, thiết nghĩ, cũng là quá đủ để vừa hiểu Văn, vừa hiểu Đời của một nhà văn. Nhìn vào bố cục của cuốn sách, dễ nhận ra, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện không đặt phần riêng của mình lên đầu, mà đặt ở sau (chương III), với một số trang không nhiều so với độ dầy trên nghìn trang của sách (Từ trang 843đến trang 992). Điều đó cho thấy, ông khá khiêm tốn và rất trân trọng những bài viết của các bậc đàn anh, đồng nghiệp, môn sinh và những bạn viết khác, dành cho họ “đất viết” khá ưu ái. Đó chẳng phải là cách thể hiện “tình đồng nghiệp, liên tài tri kỷ” hay sao? Tôi quen biết ông chưa lâu (chừng 7 năm), được làm học trò 4 khóa, lớp Lý luận phê bình (do Liên hiệp các hội VHNT tổ chức) mà thầy làm chủ nhiệm, được thầy động viên khích lệ, giới thiệu vào Hội Nhà văn Việt Nam, tiếp xúc với thầy chúng tôi đều nhận thấy, thầy là một người mẫu mực, uyên bác, kiến văn sâu rộng, rất nghiêm khắc trong khoa học, nhưng cũng chân tình, cởi mở, chan hòa trong giao tiếp… Chúng tôi thường được thầy tặng sách và cũng thật may mắn, tôi được góp mặt 3 bài lý luận phê bình, và 2 bài thơ trong cuốn sách để đời của thầy. Hẳn nhiên, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào và luôn tự nhắc mình phải cố gắng thật nhiều theo gương thầy, theo nghiệp mà mình đã chọn. Roger Godlle đã nói: “Tình yêu đích thực sở dĩ nhận được là nhờ ở dấu hiệu không bao giờ sai lầm này: Nó dâng tặng và không hề vụ lợi”. Tôi nghĩ, Với tác phẩm Nguyễn Ngọc Thiện - Văn & Đời, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện cũng là một người dâng tặng mà không bao giờ vụ lợi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi ký Thơ phổ nhạc

Mình thăm Hollywood u s a -1 6 2021