Nguyễn Thi Binh đọc sách Nguyễn Ngọc Thiên 24 9 2021

Fb ky niem 24-9-2021 PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện & Hành trình không ngơi nghỉ Th.S.Nguyễn Thị Bình (Hội VHNT Ninh Bình) Cầm trên tay cuốn sách Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật (NXB Hội Nhà văn, 2020) của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, tôi liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của Edison: “Thiên tài gồm 99% lao động và 1% tài năng”. Phải rồi! Mà đâu chỉ có tác phẩm này? Nhìn vào “gia tài” đồ sộ của tác giả trước đó (Đây là cuốn sách in riêng thứ 9 của ông trong tổng số 46 đầu sách vừa in riêng, vừa chủ biên của tác giả trong 25 năm qua (1995-2020)) tôi càng cảm phục tấm gương lao động miệt mài, tâm huyết, hết mình cho khoa học của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện. Những vỉa quặng kiến thức mà ông dầy công tích lũy, sáng tạo, chứng tỏ một sức viết “khủng”. Tôi cứ hình dung ông giống như một con ong thợ cần mẫn, ngày ngày chắt chiu những giọt mật cho đời, say mê với công việc đến mức quên đi những thiệt hơn. Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật, là cuốn sách thứ 7 viết về Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng (sau các sách của các tác giả Hà Xuân Trường, các tác giả chủ biên: Đỗ Đình Hãng, Trần Văn Bính, Đinh Xuân Dũng, Lê Thị Thu Hiền...) Nhưng ở đây, tác giả tiếp cận dưới góc độ nghiên cứu sự nhất quán và tiếp tục phát triển của đường lối Văn hóa văn nghệ (VHVN) của Đảng, từ Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 đến nay. Đây cũng là chuyên luận tham gia Đề tài khoa học cấp Ban Đảng, do Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương chủ trì.Nhìn tổng thể, cuốn sách đẹp cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Các vấn đề được trình bày khoa học, mạch lạc, dễ hiểu, kèm theo những ảnh tư liệu minh họa phù hợp, cùng phần phụ lục về danh mục các văn kiện chính của Đảng; danh mục tác phẩm chính của Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được viện dẫn trong chuyên luận. Điều đó cũng góp phần làm nên sức cuốn hút của tác phẩm. Đặt bút viết về một bậc học giả uyên bác, một người thầy đáng kính- PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, tôi thấy vừa hãnh diện tự hào lại vừa có chút lo lo. Lo vì chỉ sợ điều mình viết chưa tới được cái tầm của thầy. Thêm nữa, còn bao nhiêu người có học hàm, học vị yêu mến, quan tâm đến thầy và sách của thầy, chắc chắn họ đã và sẽ có những bài viết tầm cỡ về công trình để đời này… Nhưng điều lo lắng của tôi qua nhanh. Trong tâm trí tôi là hình ảnh người thầy rất mô phạm, nhiệt tình, tâm huyết say mê với khoa học, tận tâm, chân thành, cởi mở với đồng nghiệp, học trò. Viết về sách của thầy, tôi thấy mình thật may mắn vì vừa được trải nghiệm, được học hỏi ở thầy rất nhiều về kiến thức, kỹ năng… và trên hết, là cái tâm của người viết Lý luận Phê bình (LLPB). Tên tuổi PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện từ lâu đã thành quen thuộc với độc giả và giới LLPB trong cả nước, bởi những đầu sách và rất nhiều bài viết được đăng tải trên các Tạp chí chuyên ngành Trung ương. Lần này, ông trình làng cuốn sách Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật, tập hợp những bài viết trong khoảng thời gian 5 năm (Từ cuối 2015 đến giữa 2020), phần lớn đã được đăng trên Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam; Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật, hoặc đã được công bố tại các Hội thảo khoa học chuyên ngành. Các bài viết khi tập hợp lại cho thấy sự nhất quán, hài hòa mà vẫn phục vụ một chủ đề xuyên suốt, đó là: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật. Chuyên luận chia 2 phần chính. Phần I : “Đường lối Văn hóa, Văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam – Sự nhất quán và phát triển”, gồm 180 trang. Phần này được trình bày dưới dạng hàn lâm như một công trình khoa học, tương đương Luận văn Thạc sĩ hoặc luận án Tiến sĩ. Phần II: Tiểu luận - Phê bình, gồm 17 bài, đề cập đến thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật, góp phần làm sáng tỏ nội dung ở phần I. Sức “nặng” của chuyên luận tập trung ở phần I. Bằng tư duy thực chứng, tổng hợp, phân tích mạch lạc, qua lịch sử đường lối VHVN của Đảng, tác giả cho thấy giá trị lý luận, tổng kết thực tiễn, chỉ đạo thực tiễn, định hướng sự phát triển Văn học nghệ thuật (VHNT) của Đường lối. Khẳng định những thành tựu của Đường lối về mặt lý luận, làm giàu kho tàng lý luận mác xít về VHNT, vừa về mặt hiệu quả thực tiễn. Trên cơ sở đó, thấy được sự kết hợp chặt chẽ giữa tư tưởng lý luận và thực tiễn đời sống VHVN của Đường lối VHVN. Đáng chú ý ở phần I, đó là: lần đầu tiên tác giả nêu ra những vấn đề: Khái niệm về “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng”; Định nghĩa về Đường lối Văn hóa, Văn nghệ Việt Nam: “Là một bộ phận hợp thành hữu cơ của đường lối cách mạng nói chung, do Đảng cộng sản Việt nam đề ra, từ khi thành lập (03/02/1930), giữ vai trò lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đề ra trong từng giai đoạn lịch sử”; Từ đó, đi sâu phân tích những “Cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn của Đường lối Văn hóa, Văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam”, khẳng định tính nhất quán, kiên định, trước sau như một, trung thành với những tư tưởng, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng được vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng Việt Nam; Tác giả chỉ rõ: Đường lối VHVN của Đảng cộng sản Việt Namhình thành là một quá trình, từ “Đề cương về văn hoá Việt Nam”, năm 1943 (Văn kiện đầu tiên với tư cách là tuyên ngôn văn hóa của Đảng Cộng sản Đông Dương), và ngày càng được hoàn thiện theo từng thời kỳ lịch sử, xứng đáng trở thành nguồn lực mạnh mẽ tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội, xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh; Bên cạnh đó, tác giả nêu bật những đóng góp về hoàn thiện đường lối của những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng cũng là các nhà văn hóa lớn như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu… Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Chỉ rõ mối quan hệ, gắn bó chặt chẽ giữa văn hóa, văn nghệ với chính trị của giai cấp lãnh đạo cách mạng; vai trò văn nghệ là vũ khí sắc bén; phẩm chất chiến sĩ của văn nghệ sĩ trên trường đấu tranh của mặt trận văn nghệ với các lực lượng thù địch; con đường để tác phẩm văn nghệ đến với công chúng”; Đồng chí Trường Chinh với: Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam, chính “Là sự tiếp nối, hoàn chỉnh sáng tạo trên tầm cao mới chiến lược phát triển nền văn hóa dân chủ mới được sơ khởi từ văn kiện đầu tiên Đề cương về văn hóa Việt Nam”, các ý kiến của các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu đều tập trung làm rõ những nội dung chủ yếu của Đường lối VHVN của Đảng. Qua đó, khẳng định việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh thực tế Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào là rất cần thiết. Chuyên luận làm rõ bản chất của đường lối là lý luận mác xít về VHVN, vận dụng sáng tạo vào Việt Nam, nhất quán qua các giai đoạn cách mạng và luôn bổ sung, phát triển; Đồng chí Trường Chinh là người đầu tiên đặt vấn đề học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh (Trong Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam 1948); Tác giả thẳng thắn chỉ ra, Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng bên cạnh thành tựu, còn có những hạn chế lịch sử; về tầm nhìn trong việc vạch ra Đường lối, chỉ đạo thực hiện Đường lối, qua từng giai đoạn cách mạng; Ở giai đoạn Kháng chiến chống Pháp (1946- 1954): “Những văn kiện của Đảng về lý luận văn nghệ còn quá ít và không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới”. Bước sang giai đoạn mới của nhiệm vụ cách mạng, Đảng vẫn “Chưa có lần nào bàn kỹ và đưa ra nghị quyết mang tầm chiến lược về phát triển VHVN…”. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, còn nhiều thiếu sót trong nhận thức của cán bộ VHVN, “Còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong nhận thức lý luận, sự hiểu biết…” Ở phần này, ngoài những lý lẽ và minh chứng xác đáng theo góc nhìn khách quan, khoa học của người nghiên cứu, tác giả còn viện dẫn những ý kiến của Tố Hữu, Hà Xuân Trường để làm rõ thêm cho những luận điểm của mình. Từ những thành tựu, hạn chế, thiếu sót, tác giả nêu ra “Những bài học kinh nghiệm rút ra từ lý luận và thực tiễn nhằm đảm bảo sự nhất quán có tính chất nguyên tắc và sự tiếp tục không ngừng bổ sung phát triển để hoàn thiện Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong hơn 70 năm qua”, đảm bảo thực thi hiệu quả Đường lối VHVN của Đảng. Đặc biệt, những kiến nghị có tính chất xây dựng của chuyên luận về quan điểm, tư tưởng; về tổ chức và công tác cán bộ, là những gợi ý rất quý cho các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan chính quyền, đoàn thể trong công tác VHVN; Chuyên luận còn thuyết phục người đọc bởi thư mục nghiên cứu về đường lối VHVN đầy đủ, được trình bày một cách khoa học (Tác phẩm gốc về đường lối - văn kiện Đảng - các tác phẩm của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu; những công trình nghiên cứu về đường lối kể từ bài đầu tiên của Trường Chinh (năm 1944) giải thích Đề cương về văn hóa Việt Nam… và gần đây là Giáo trình về Đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam của Lê Thị Thu Hiền (2018)). Phần II của chuyên luận: Tiểu luận- Phê bình, gồm những bài viết cho thấy, tác giả bám sát đời sống thực tiễn lý luận - phê bình nghiên cứu VHVN mạnh dạn, trao đổi ý kiến thẳng thắn, có trách nhiệm. Phần này, tác giả quan tâm đến những vấn đề: về tư tưởng văn nghệ của Hồ Chí Minh về VHVN, phân tích tác dụng to lớn của văn hóa, nghệ thuật góp phần định hướng phát triển và tiến bộ xã hội: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; về “Tính chuyên nghiệp của phê bình văn học nghệ thuật và nhà phê bình chuyên nghiệp”, ở bài viết này, tác giả chỉ rõ vai trò của lý luận-phê bình bằng việc viện dẫn những ý kiến của Thiếu Sơn, Hoài Thanh về thực trạng của phê bình văn nghệ Việt Nam trước Cách mạng tháng 8/1945 và những quan điểm về phê bình văn học; ý kiến của Trường Chinh trong Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh tính đối thoại dân chủ trong tranh luận, trao đổi ý kiến trong phê bình, nâng cao tính chiến đấu, bảo vệ cái đúng, chống những lệch lạc sai trái về quan điểm VHVN, yêu cầu người làm phê bình phải công tâm, công minh: “Phê bình cần làm rõ cái hay hoặc cái dở của tác phẩm, rành mạch trong khen chê…” phải đổi mới trong tư duy phê bình, khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo, thể nghiệm, sự đa dạng phong phú trong văn học nghệ thuật. Là người tâm huyết với hoạt động LLPB, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện rất quan tâm đến đội ngũ LLPB (nhất là đội ngũ LLPB ở các Hội VHNT), từ thực trạng về đội ngũ này ở các địa phương (vừa thiếu, vừa yếu), tác giả đưa ra những đề xuất, kiến nghị về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT; “Kiến nghị về thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong thời kỳ Đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Bên cạnh đó, ông còn dành nhiều sự quan tâm đến “Đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” trước những yêu cầu và thách thức mới: “Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam cần phải nỗ lực rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tư cách, trau dồi tài năng”; Bài trả lời phỏng vấn:“Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học nghệ thuật”, càng thấy được tầm hiểu biết và khả năng nắm bắt thực trạng đời sống văn học của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện. Các bài viết về “Tư tưởng và phong cách nhà văn- Những vấn đề lý luận và thực tiễn”của GS.TS.Trần Đăng Suyền; “Một thời Đông Bắc” của Vũ Mão và “Một danh họa bậc thầy lão thực” (Họa sĩ Lê Năng Hiển) được tác giả dầy công nghiên cứu, đưa ra những nhận xét đánh giá, xác đáng, cụ thể, thuyết phục; Là người có thâm niên trong nghề, nhiều năm là Tổng biên tập Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện rất quan tâm đến vấn đề quản lý, nâng cao chất lượng chuyên nghiệp của báo chí văn nghệ. Ông mạnh dạn chỉ ra tính thiếu chuyên nghiệp cùng những hạn chế, và đề ra những kiến nghị, giải pháp kịp thời; Qua những loạt bài này ta thấy nổi lên một phong cách phê bình chuyên nghiệp, luôn gắn lý luận với thực tiễn, sâu sát cụ thể, thiết thực, đề cao tranh luận, bàn bạc trao đổi dân chủ, không áp đặt độc đoán. Những bài viết về thể loại hồi ký văn học và những hồi ký kỷ niệm về cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, GS.VS. Hoàng Trinh, trường Trần Phú 3... Góp thêm một nét đẹp rất đời thường của tác giả đối với bạn bè đồng nghiệp và những bậc khả kính. Điều đó cho thấy ông là một người ân nghĩa,thủy chung. Với văn phong giản dị, dễ hiểu, giọng điệu uyển chuyển, sinh động, hàn lâm, uyên bác; cách nêu vấn đề và trình bày vấn đề rõ ràng, ý kiến cá nhân được nêu ra thẳng thắn, có thể nói, ở chuyên khảo Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật , PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, vừa vận dụng tổng hợp những kết quả nghiên cứu đã có, vừa đưa ra những suy nghĩ kiến giải riêng, đánh giá, đúng đắn, khách quan. Qua đó, thấy được một nhãn quan khoa học, một phương pháp thâu nhặt, chọn lọc, sắp xếp, biến kiến thức của nhân loại thành hệ thống kiến thức của riêng mình. Không chỉ có thế, ở mảng nghiên cứu nào ông cũng đi từ khảo sát thực tế, nghiên cứu kỹ càng tư liệu thực chứng, rút ra những thông tin có giá trị khoa học, để từ đó có những nhận xét, đánh giá, luận giải sâu sắc về đối tượng được đề cập. Những bài viết của ông tập hợp trong cuốn sách, nếu đứng riêng cũng đã có giá trị tự thân nhờ những tư liệu, dẫn chứng và cách lập luận có sức thuyết phục. Nhưng khi nó được tập hợp lại thành chuyên khảo thì sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm chính là Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật và những minh chứng cụ thể cho Đường lối đó. Tôi chắc mỗi người đều có những cảm nhận khác nhau khi đọc Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện. Riêng tôi- người từng được thầy động viên, khích lệ đi theo con đường của thầy, thế nên, đọc sách của thầy, tôi vô cùng khâm phục sức làm việc và khả năng cống hiến của một người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Có thể nói, đây là cuốn sách quý, giọng điệu phê bình sắc sảo mà uyển chuyển nên khá hấp dẫn, tôi tìm thấy sự thích thú và bổ ích rất nhiều cho mình khi đọc nó. Chắc chắn hành trình của tác giả vẫn tiếp tục và những hoa trái ngọt lành vẫn đang chờ ông… Tháng 9 năm 2020

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi ký Thơ phổ nhạc

Mình thăm Hollywood u s a -1 6 2021