CHÚ THÍCH 68 BI KỊCH FAUST VỦA GỚT VON GOETHE, THĂM WEIMAR CỦ cành thơm

Thăm thành phố Weimar – một thành phố có nhiều ý nghĩa văn hóa và lịch sử đối với nước Đức. Đây là thành phố ghi dấu tình bạn rất vĩ đại giữa Goethe và Schiller, hai nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch làm nên trường phái Weimar cổ điển. Đây là nơi từng thành lập nền cộng hòa đầu tiên, cộng hòa Weimar- tiền thân của nước Đức. Đây là nơi Hitler từng đến thăm 40 lần, tổ chức những buổi diễn thuyết và thành lập trại tập trung để đàn áp người Do Thái ở khu Buchenwald (Rừng Sồi) cách trung tâm Weimar 8 cây số. Đây cũng là nơi phát sinh trường phái Bauhaus trong kiến trúc và nghệ thuật, với cách thiết kế coi trọng công năng và hình khối cơ bản phổ biến trong kiến trúc và mỹ thuật công nghiệp hiện đại ngày nay. (Hiện nay ở thành phố này có trường đại học Baushaus về kiến trúc và design). Đây cũng là nơi từng sinh sống và làm việc của rất nhiều các nghệ sĩ lớn về thơ ca, âm nhạc và hội họa. Rất nhiều công trình tại Weimar được USNECO xếp hạng di sản văn hóa thế giới. Đến Weimar theo đoàn nghiên cứu sinh quốc tế với sự tổ chức của Welcome Center Dresden, tụi mình đã có cơ hội được đến thăm khu tưởng niệm trại tập trung của Đức quốc xã tại khu Rừng Sồi (Buchenwald). Trước tấm bia tưởng niệm các nạn nhân của trại tập trung trong giai đoạn 1928-1945, mình đã rất ngạc nhiên khi thấy có quốc tịch Việt Nam (Vietnamesen) trên tấm bia này. Trong khi đó, không có nạn nhân người Trung Quốc cũng như hầu hết các nước Đông Á khác. Có người Mỹ, người Canada… Khi đi sâu vào khu tưởng niệm, mình thấy có tên Marcel LeLong trên tấm bia ghi tên các nạn nhân trên tường, mình đoán chắc là người Việt này. Thương quá, không biết từ năm 1928-1945, người Việt Nam này đi đâu sang Đức để rồi bỏ mạng nơi đất khách quê người trong trại tập trung của Đức quốc xã… Mình tần ngần trước cái tên ấy hồi lâu. Đúng là đồng bào ruột thịt, đi đâu tự nhiên thấy cái tên trong danh sách nạn nhân cũng thấy thương, thấy xót, thấy ngậm ngùi... Giai đoạn đó, Đức quốc xã bài ngoại, không phải chỉ cứ người Do Thái, mà bất cứ người khác quốc tịch nào cũng có thể bị bắt nhốt vào trại tập trung, chịu bóc lột và sát hại. Hình ảnh các bộ xương chất đống được chụp lại trong khu tưởng niệm… Sau trại tập trung, tụi mình có dịp đi tham quan cảnh phố Weimar và thăm bảo tàng Goethe, xưa là nhà nơi Goethe cùng gia đình sinh sống. Đường phố nhà cửa ở Weimar tương tự các thành phố khác của châu Âu. Quảng trường trung tâm có toà thị chính và tháp phun nước thần Hải Vương, cũng tương tự nhiều thành phố khác. Ở quảng trường này có cái khách sạn mà ban công của nó là nơi ngày xưa Hitler đứng diễn thuyết. Thăm nhà của Goethe, đứng trước phòng làm việc của ông, mình tự nhiên hình dung ra hình ảnh con người vĩ đại ấy đã ngồi làm việc trong căn phòng rực rỡ ánh nắng này và nhớ về người bạn của mình đã từng dịch rất nhiều tài liệu liên quan đến Goethe và hay đưa ảnh bức tượng tình bạn giữa Goethe và Schiller. Bản thân mình từng dịch một bài thơ của Goethe, đó là bài “Trái tim vàng” trong tuyển tập thơ Đức xuất bản năm 2012. Goethe vừa là nhà khoa học tự nhiên, vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà triết học v.v… Ông được coi là một trong số ít những nhà thông thái của nước Đức, trí tuệ lớn nhất nước Đức. Ông đã để lại vô vàn những tác phẩm đồ sộ, trong đó có vở kịch Faust, nói về một vị giáo sư, một nhà khoa học lớn đã bán linh hồn mình cho quỷ. Người ta nhận thấy ý nghĩa triết học của nó vẫn có giá trị ngay cả trong thời kì hiện đại này. Tác phẩm Faust được chia làm hai phần, được Goethe soạn trong hàng chục năm. Hai phần được soạn cách nhau rất lâu và phần thứ hai chỉ được hoàn tất khi Goethe đã ngoài 80, ông đã hoàn thành nó chỉ trước khi ông mất một thời gian ngắn. Tụi mình còn đi thăm công viên Weimar bên dòng sông Ilm, nơi đó có nhà vườn của gia đình Goethe. Đó là một ngôi nhà nhỏ xinh trồng nhiều hoa, cảnh sắc rất thanh bình và tụi mình chụp vài tấm hình ở đó. Phía trước công viên này là Thư viện cổ nổi tiếng của một bà công tước, tên là Anna Amalia. Toà nhà này được xây dựng theo phong cách Rococo từ tầm thời thế kỉ 18. Nữ công tước đã sưu tầm rất nhiều sách quý, sách cổ của Đức. Năm 2004, thư viện bị cháy một lần, rất nhiều sách quý đã bị cháy. Năm 2007, thư viện được khôi phục lại và đã cần rất nhiều tiền để phục chế lại một số sách có thể cứu vãn được. Bên cạnh các công trình nói trên, Weimar còn có một số nhà thờ cổ, thành cổ và lâu đài. Xe ngựa cũng rất phổ biến trên đường phố Weimar sẵn sàng phục vụ các du khách.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi ký Thơ phổ nhạc

Mình thăm Hollywood u s a -1 6 2021