dieu an va the uan

1 PGS.TS NGUYỄN NGỌC THIỆN “CÂY BÚT VÀNG” TRONG LÀNG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC Nhà báo Diệu Ân (Hà Nội) Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội tổ chức chuyến đi dã ngoại ở vùng Tây Bắc, trong số khách mời của hội có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng biên tập Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Nhiều người được biết anh là nhà lý luận phê bình văn học khá nổi tiếng. Anh sinh ngày 6 tháng 3 năm 1947, quê ở Phù Ninh, Từ Sơn, Bắc Ninh (cũ) nay là Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Anh là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, tham gia Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1997. Trong các chuyến đi dã ngoại, anh Thiện hay mang máy ảnh đi để lấy tư liệu cho báo và giao lưu với bạn bè. Khi xe dừng lại ở SaPa- một điểm du lịch nổi tiếng, mọi người ríu rít rủ nhau đi chụp ảnh. Anh Thiện chạy đến, trên tay sẵn sàng máy ảnh “phục vụ” mọi người. Ai muốn chụp riêng hay theo nhóm anh đều vui vẻ chiều theo. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện cùng các nhà văn nữ tại Đại hội X Hội nhà văn Việt Nam, năm 2020 Mọi người quý anh vì trông anh rất hiền, tác phong nhanh nhẹn dễ gần gũi. Nguyễn Ngọc Thiện trông bên ngoài giản dị, khiêm nhường như vậy, nhưng trong làng văn nghệ Việt Nam không mấy người không biết anh. Anh là Ủy viên Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật Trung ương từ năm 2003 đến nay; năm 2000-2005, anh là Ủy viên Hội đồng lý luận, phê bình Hội Nhà văn Việt Nam. 2 Anh là nghiên cứu viên cao cấp, bậc 5. Được ngồi vào “ghế nóng” đó phải là người có đức, có tài. Nhìn vào quá trình học tập, nghiên cứu khoa học của anh cũng rất đáng nể trọng, anh được tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967. Anh rất may mắn được chọn về công tác tại Viện Văn học. Chính vì là cán bộ Viện Văn học nên khi anh tình nguyện đi bộ đội đã được ban chỉ huy đơn vị Quân khu Thủ đô giữ lại làm giáo viên văn hóa, sau đó chuyển làm sĩ quan chính trị Trường sĩ quan Hậu cần. Anh thường tâm sự với đồng nghiệp: Chính nhờ những năm tháng trong quân đội đã rèn luyện anh trở thành người làm việc có kỷ luật, luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần tự giác, năng động, sáng tạo. Sau thời gian công tác trong quân ngũ, anh lại được trở về Viện Văn học. Năm đó, Nguyễn Ngọc Thiện tròn hai mươi bảy tuổi. Có thể nói anh là một trong những cán bộ trẻ nhất của Viện. Anh say mê lao vào nghiên cứu, học tập và bắt đầu công bố những tác phẩm đầu tiên của mình. Nguyễn Ngọc Thiện may mắn được giáo sư-viện sĩ Hoàng Trinh quan tâm dìu dắt. Anh nhớ rất kỹ lời ông dạy, đại ý: “không được tham lam, ôm đồm, viết lan man, tản mạn, không được làm ra vẻ ta đây. Làm người cầm bút phải sống chết với nghề, có lòng tự trọng và luôn tôn trọng người khác. Phải biết khoanh vùng nghiên cứu thì mới hy vọng có đóng góp ít nhiều”. Anh làm theo nghiêm túc, chính vì vậy anh đã biết tự tìm ra sở trường và thế mạnh của mình. Nguyễn Ngọc Thiện say sưa hoạt động chuyên môn trong Ban lý luận của Viện Văn học. Nhờ tinh thần phấn đấu liên tục, sôi nổi cộng với tác phong quần chúng rộng rãi, anh đã chiếm được cảm tình của cả cơ quan. Chính trong thời gian này, năm 1977, anh phấn đấu và trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1978, tình hình phía Bắc biên giới căng thẳng, anh được Viện Văn học cử đi tham gia lực lượng, cán bộ tăng cường của Đảng tại biên giới phía Bắc. Thực ra thời kỳ này tình hình rất khó khăn, ác liệt nên cũng có một số đồng chí được đơn vị cử đi, nhưng đã tìm cách thoái thác. Nguyễn Ngọc Thiện chuẩn bị sẵn tinh thần đi phục vụ lâu dài nên anh tự lên cho mình chương trình tìm hiểu miền đất Tây Bắc, vì đó là kho tư liệu quý giá mà còn ít người khai thác. Nguyễn Ngọc Thiện ấp ủ nhiều dự định, anh muốn đi xa hơn, đi nhanh hơn, bay xa hơn. Anh nhận ra mình có khả năng nghiên cứu phê bình về mảng văn xuôi và văn lý luận phê bình. Trong khi anh đang khao khát được cống hiến, một ân huệ lớn đã đến, anh được chọn thi tuyển đi nghiên cứu sinh ngữ văn tại 3 Cộng hòa dân chủ Đức. Anh tận dụng thời cơ này. Anh lao vào học tập nghiên cứu từng vấn đề có hệ thống, tự trang bị kiến thức cho mình để phụng sự Tổ quốc. Sau bốn năm tu nghiệp ở Cộng hòa Dân chủ Đức, anh đã có một khối lượng kiến thức đáng kể. Anh tốt nghiệp Tiến sĩ (A) chuyên ngành lý luận văn học tại Trường Đại học Karl-Marx. Nguyễn Ngọc Thiện hoàn thành xuất sắc khóa học của mình. Trở về Việt Nam, anh tiếp tục trở lại với lĩnh vực nghiên cứu phê bình trong vai trò Trưởng Ban lý luận tại Viện Văn học. Anh tự hiểu rằng tổ chức cho mình đi học về để làm việc, làm phong phú thêm nền văn học nước nhà. Anh thấy thời gian quá eo hẹp. Thời gian trôi đi vô tình mà công việc quá nhiều. Không thể chỉ làm việc trong tám tiếng, anh có khi quên cả thời gian, quên cả chính mình, quên cả người thân. Vợ anh là bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai quá thuộc tính chồng nên chị không phàn nàn. Chị thay chồng lo cho gia đình, lo cho con ăn học, chính có người bạn đời lý tưởng như vậy mà Nguyễn Ngọc Thiện an tâm hiến dâng tâm hồn mình cho sự nghiệp cách mạng. Anh muốn đọc thật nhanh, đọc thật nhiều, lưu trữ thật nhiều và không ngừng viết. Những tác phẩm để đời của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện 4 Nguyễn Ngọc Thiện giữ thói quen dùng bút viết bài bằng tay, theo anh là để có thời gian suy nghĩ thêm và trích dẫn dễ dàng chính xác hơn. Nếu ước tính ra anh đã có hàng vạn trang viết và trang biên soạn, có nhiều cuốn sách để đời mà trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam công nhận, thán phục. Trong số 9 cuốn sách riêng của anh có cuốn tuyển tập Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2018; Cuốn sách này có nhiều bài giới thiệu, coi như cuốn sách để đời. Cuốn sách hơn 800 trang, ấn tượng nhất là việc dựng chân dung 40 nhà lý luận phê bình văn học Việt Nam trong thế kỷ XX, để thấy rõ bản lĩnh của anh và chia sẻ khó khăn của người cầm bút. Anh là người chung thủy, tận tụy với bạn bè, ngược lại, bạn bè phải cảm ơn anh, nhờ anh mà có dịp nhìn lại đánh giá sáng tác của mình. Đối với các tác giả lớn luôn cho ra đời những tác phẩm dày cộp, vẫn phải đọc, phải ghi chép, cảm nhận, đánh giá. Vậy anh đọc sách vào lúc nào? Hình dung ra thấy khối lượng công việc của anh vô cùng lớn. Ta hình dung Nguyễn Ngọc Thiện đi “đãi cát tìm vàng” tìm được vàng rồi còn phải đem vào luyện để rồi mới cho ra lò một sản phẩm đặc biệt. Anh cứ đọc, cứ viết hàng ngày như cơm ăn nước uống, như hơi thở sự sống, không thấy anh phàn nàn trách móc ai. Anh cứ bình thường như bao nhiêu người bình thường khác, nhưng khi đọc các bài phê bình sắc sảo đầy trí tuệ, đanh thép và ngọt ngào, người ta đã nhận ra nội lực của một Nguyễn Ngọc Thiện hoàn toàn khác. Nhiều người thấy nể trọng, thậm chí còn thấy khó hiểu con người đó. Làm sao có con người kiên trì, kiên nhẫn, chí thú công việc đến mức như vậy được.? Tính ra anh có 23 năm gắn bó với Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam” trong đó có mười lăm năm làm Tổng biên tập từ tháng 7/2006 đến nay. Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam là một tạp chí hàng đầu, mẫu mực cả nội dung và hình thức. Nguyễn Ngọc Thiện dành nhiều tâm huyết cho tạp chí. Cả Tòa soạn chỉ có năm người, phải tổ chức ra Tạp chí hàng tháng. Những người trong nghề hiểu rằng anh quá thành thạo, hầu như bao sân toàn bộ phần nội dung. Cũng có người hỏi anh, sao không tuyển thêm người. Anh vui vẻ trả lời: Tạp chí còn nghèo, nếu tuyển thêm người, không còn tiền mà in Tạp chí. Anh chăm chút cho tờ báo như chăm sóc cho đứa con tinh thần của mình. Anh nắn nót từng chi tiết để khi đứa con ra đời sao cho hoàn hảo. Anh không cho phép được cẩu thả, được xem nhẹ một kỳ báo nào. Nguyễn Ngọc Thiện có hơn năm mươi năm làm công tác nghiên cứu, có hơn hai mươi năm làm báo, anh đã có bề dày tri thức. Nếu anh vẫn đảm nhận 5 chức Tổng Biên tập vẫn dư sức làm, nhưng anh muốn dừng lại công tác quản lý Tạp chí, để tập trung đi sâu nghiên cứu. Anh trình bày với tổ chức tìm người thay anh. Nguyễn Ngọc Thiện vẫn sẵn sàng ủng hộ tạp chí với vai trò cố vấn, nếu có thể được. Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam được nhận “Huân chương lao động hạng Ba” có công lao đóng góp đáng kể của Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Thiện. Riêng anh cũng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2010. Nguyễn Ngọc Thiện tham gia nhiều hội, nghề nghiệp, mãi đến năm 1997, anh mới tham gia Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam. Anh rất gắn bó với Hội văn nghệ dân gian Hà Nội. Năm 2010, anh gia nhập Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu, sau đó là Hội Cựu giáo chức phường. Các chuyến đi dã ngoại của các Hội này anh thường tham gia. Anh quý trọng những người bạn văn chương ở Hà Nội. Mỗi khi có dịp gặp nhau là anh bắt chuyện, là đặt bài, là xin bài. Trong chuyến đi Tây Bắc về, trước khi chia tay, anh thân mật mời mọi người đến nhà chơi để thăm Thư viện của anh. Thấy anh quảng bá về thư viện riêng, ai cũng thích. Nhà anh ở ngõ 31 phố Trần Quốc Hoàn, Hà Nội, tìm nhà anh không khó. Khi đặt chân vào khu biệt thự của anh, ai cũng ngạc nhiên thán phục vì được tham quan phòng trưng bày với hàng vạn đầu sách, tư liệu quý hiếm, hàng trăm cổ vật bằng đồng, đá, sành, sứ. Tác giả Diệu Ân và Nguyễn Ngọc Thiện tại Thế Uẩn thư trai Anh sắp xếp ngăn nắp, hợp lý, khoa học, anh giới thiệu khá tỉ mỉ những tác phẩm được anh lưu trữ, anh sắp xếp phòng thờ chung với thư viện, với lý do 6 thường xuyên được chăm sóc, mỗi khi thắp hương mùi hương thơm làm cho sách không bị mối mọt, đầu óc tỉnh táo. Nhưng có lẽ ngạc nhiên nhất là anh giới thiệu những ô tủ tài liệu của các nghiên cứu sinh và học viên cao học mà anh hướng dẫn. Anh để riêng mỗi người một ô có ghi tên và thời gian được hướng dẫn. Thật quả tuyệt vời, có khi chính các học trò của anh còn không lưu giữ được những tài liệu quý giá này. Anh là người yêu sách, yêu người mới kiên nhẫn xây dựng một thư viện đồ sộ, giá trị như vậy. Anh là người rất đặc biệt, anh có tầm nhìn xa, sau này anh sẽ bàn giao thư viện cho cháu ngoại của mình mặc dù cậu bé mới còn ít tuổi, anh đã thấy tố chất của cháu, cho ông ngoại gửi gắm, đáng là “truyền nhân” của sự nghiệp ông. Những người bạn chí cốt của anh hiểu anh là con người luôn luôn chung thủy với Đảng, kính yêu Hồ Chủ tịch. Anh tin Đảng, yêu Đảng, bảo vệ đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng. Có lần anh công khai nói rất tự nhiên “tôi tin yêu Đảng” mới nghe tưởng là anh nói có tính tuyên giáo, nhưng nhìn vào chặng đường viết văn, viết báo của anh mới ngẫm ra tình yêu, sự trung thành với Đảng đã ngấm vào ngòi bút vàng của anh. Anh đặc biệt nâng niu nghiên cứu rất kỹ từng văn bản chỉ thị của Đảng đối với đường lối văn hóa văn nghệ. Anh dành toàn bộ tâm huyết trí tuệ để cho ra đời tác phẩm thứ 9 của đời văn nghệ có tựa đề Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn thuật, tác phẩm này cũng là cuốn sách để đời. Những nhà văn, nhà báo trẻ cần tìm đọc tham khảo sách này để định hướng sáng tác đúng đắn cho đời viết của mình. Trình độ nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Thiện đã đạt mức hàn lâm. Nói ra điều này là có cơ sở vì không nhiều người xuất bản được một hệ thống công trình nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ công phu hiếm có như thế. Đầu năm 2022, Trung tâm lưu trữ quốc gia III đã tiếp nhận một khối lượng hàng vạn trang tác phẩm và bản thảo các công trình của sự nghiệp nghiên cứu phê bình văn học và báo chí của anh. Chúng ta không hề muốn so sánh nhưng không thế phủ nhận tài năng đức độ của nhà phê bình nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện. Rất đáng tự hào trong làng văn nghệ Việt Nam có một ‘cây bút vàng” sắc sảo, lão thực như vậy. Xin chúc mừng anh !

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi ký Thơ phổ nhạc

Mình thăm Hollywood u s a -1 6 2021