thien nang 2532022

Người Cha kính quý siêng học, chính trực và Người Mẹ quê Nành 5 đời Khuyến học THIÊN NĂNG Chi hội Khuyến học số 6 Ở vùng quê tôi, Kẻ Nành, phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh cũ, nay là Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội, người là Bố, Mẹ của các con ruột thường được gọi là Thày, U. 1. Thày tôi Nguyễn Ngọc Mai, sinh năm 1917 Ông là con trai trưởng của ông bà nội tôi, được chăm sóc chu đáo từ bé trong việc theo đuổi Tân học. Trong làng, ông bà nội tôi được xếp vào loại gia đình trung lưu, khá giả, có của ăn của để, nhà cao cửa rộng. Nhưng ông bà nội tôi không ham tích góp tiền bạc, của cải, không kham tậu nhà tậu ruộng, trâu bò nhiều hơn để hợm của như những trọc phú khác, mà chí thú việc học tập, lập nghiệp hành nghề lương thiện cho con cháu trong nhà. Năm 1918, khi bố tôi tròn 1 tuổi, ông nội đã cho treo cao 3 chữ Nho lớn Thế Uẩn Thiện khắc trên bức hoành phi sơn son thiếp vàng trên nóc gian thờ giữa ngôi nhà cổ của gia đình ở quê, ngụ ý khuyên con cháu chịu khó học hành giỏi giang, tu nhân tích đức làm điều Thiện cho xứng đáng với tổ tiên, họ mạc Nguyễn Ngọc. Thày tôi được chăm chút gửi đi trường hàng tỉnh học Tân học, vì ở quê chỉ có các lớp dạy chữ Nho mà thôi. Vì vậy, tuy ở quê làm ruộng chăm chỉ, nhưng ông bà tôi đã thu xếp để gửi Thày tôi lên mạn thị xã Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc theo đuổi học hành bền chí. Tuy nhập học muộn một chút, nhưng bù lại, bố tôi sáng dạ lại cần mẫn, siêng học, nên sau 6 năm miệt mài bút mực, ông đã tốt nghiệp loại ưu bậc Tiểu học vào ngày 17 tháng Mười một năm 1932, lúc đó ông tròn 15 tuổi. Trong làng quê hồi đó chỉ có Thày tôi và ông anh con bác họ (cùng họ Nguyễn Ngọc) là 2 người duy nhất trong làng trước Cách mạng tháng Tám 1945 được nhận tấm bằng tốt nghiệp Tiểu học Pháp - Việt danh giá (so trên mặt bằng dân trí tương đương bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ ngày nay). Do được học hành, dạy dỗ chu đáo nên Thày tôi trở thành người sống có nền nếp, tác phong khoa học, cẩn thận chỉnh chu, chính trực và tự trọng. Ông viết bằng bút máy Parker mực xanh, nắn nót và đều, không bị mất nét hoặc sai chính tả. Ông thành 1 thạo tiếng Pháp, thường chăm chú theo dõi hàng ngày các báo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, cũng là để bổ sung kiến thức về Pháp ngữ mà mình đã được học ở Nhà trường. Tuy được học ở nhà trường Pháp - Việt, nhưng ông không cộng tác với chính quyền thực dân, sau khi tốt nghiệp Tiểu học, ông không đi làm công chức mà tự lập nghiệp bằng cách mở Cửa hàng bán thuốc Nam - Bắc, nghề truyền thống của gia đình và quê hương, để nuôi sống gia đình, góp phần chăm sóc sức khỏe của đồng bào bằng Đông y dân tộc. Khi đến tuổi thành hôn, ông lấy được mẹ tôi làm vợ, bởi trong con mắt của bố mẹ vợ tương lai, ông là người con rể trí thức, lịch lãm, con nhà gia giáo, đạt tiêu chuẩn “Nhị Quang” , tức là mặt mũi sáng sủa, ưa nhìn, đầu óc thông minh, tài trí không thua kém người khác. Ông khéo léo tổ chức việc kinh doanh sao cho Cửa hàng mang tên hiệu Thuận Thành (tên của vợ và con gái ghép lại mà thành) là một thương hiệu tử tế, có tín nhiệm, thu hút được khách hàng đến giao dịch, làm ăn phát đạt. Theo gương ông bà nội ngoại, ông và mẹ tôi không khuyến khích các con tham gia việc kinh doanh đỡ đần cha mẹ, mà hướng các con chăm lo việc học hành sao cho trọn vẹn, chuyên cần đã. Ông và mẹ tôi thương xuyên hỏi han công việc học tập của các con ở nhà trường, có phần thưởng nhỏ khi các con có thành tích trong học tập, nhắc nhở các con không tụ bạ bạn bè chơi nghịch lếu láo mà biếng học hoặc bỏ học và dối trá. Ông khuyến khích các con mở mang kiến thức, đọc thêm các sách báo ngoài sách giáo khoa, do ông chọn lọc và chỉ bảo cách đọc và tham khảo. Đồng thời lấy các tấm gương trong đời sống hàng ngày mà giáo dục các con về đạo đức tư cách liêm khiết, trung thực và hướng thiện, tôn trọng người khác và tự trọng, tự tin về mình, không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác rồi lên mặt ta đây, huênh hoang trịch thượng (!). Không may cho ông, ông chỉ được hưởng dương ngắn ngủi, qua đời ở tuổi 38 do mắc trọng bệnh mà y học hồi đó không đủ thuốc chữa trị. Biết mình không qua khỏi ông viết Di chúc vào một tập vở học trò, kẻ ô ly, nhãn hiệu Kuy Sơn, trong đó ông nắn nót từng dòng, từng chữ an ủi mẹ tôi và các con đừng buồn bã khi ông không còn sum họp với gia đình, dặn dò vợ con nhiều điều cần lưu ý để giữ gìn gia phong, phát huy truyền thống của ông cha và quê hương Kinh Bắc ham học, hào hoa, bạt thiệp. Có đoạn ông viết mà chúng tôi đọc giật mình: ông bảo nếu trong số 6 con của Thày Mẹ mà đứa nào ngỗ nghịch, biếng học, xấc láo và bất hiếu, cứng đầu cứng cổ, không nghe lời Bố Mẹ, thì đưa chúng ra cửa công mà từ (!) hoặc đưa vào trại giáo dục trẻ hư (!) Chúng tôi vì vậy sau khi ông mất luôn quây quần bên người Mẹ góa bụa, gắng làm người con ngoan, chăm chỉ học hành nên người, cho Mẹ và chân linh của Thày nơi tiên cảnh được yên lòng. 2 Hiện nay gia đình vẫn trân trọng lưu giữa 2 vật báu mà Thày tôi để lại, được Mẹ tôi bảo quản cẩn thận mà sau bao lần binh lửa chiến tranh, vẫn còn nguyên vẹn. Đó là: - Tấm bằng tốt nghiệp Tiểu học, do Nhà nước bảo hộ cấp ngày 17 tháng 11 năm 1932 tại thị xã Vĩnh Yên bằng 2 thứ tiếng Pháp và Việt. - Tập vở Di chúc do ông viết để lại cho vợ con và hậu duệ. * 2. Từ ngày ông mất (1 tháng 3 năm Giáp Ngọ - 1954) đến nay đã hơn 60 năm, gia đình vẫn đinh ninh làm theo lời người Thày kính quý, siêng học và chính trực. Mẹ tôi ở góa năm 39 tuổi (bà cùng tuổi với Thày tôi) trong buổi hồi xuân, nhan sắc rực rỡ - bà là con gái cả của bà ngoại tôi, Tướng Bà Hội Làng Nành quê hương cuối thế kỷ XIX - một mình đảm đang chèo chống gia đình nuôi 6 con học hành, lập nghiệp đến nơi đến chốn. Tôi nhớ trong những năm chống Mỹ cứu nước, chúng tôi đang theo học ở các trường Đại học trong nước, bà vẫn lặn lội thân gái dặm trường đi bỏ mối hàng thuốc Nam Bắc đến những nơi xa xôi để kiếm đồng ra đồng vào nuôi các con ăn học. Có lần đến khuya, trời mưa tầm tã, hàng gánh nặng vai, bà tạm trú mưa ở vẹn đường, cầu Trời khấn Phật cho công việc của mình được suôn sẻ, bình an và bà tưởng nhớ đến người chồng thân yêu đã quá cố, mong ông sống khôn chết thiêng run rủi phù hộ độ trì cho bà hoàn thành tâm nguyện của ông về gia đình và con cái. Và bà làm thơ theo lối cổ, cách xưng hô cổ, có câu bộc bạch niềm chung thủy sắt son: Chàng ơi! Suối Vàng Chàng có biết chăng/ Mai này con lớn thiếp xin theo Chàng! Chúng tôi đọc những dòng này được bà ghi lại bằng những nét chữ xiêu vẹo mà thương Mẹ quá chừng! Vất vả, cô đơn mà vẫn gắng gỏi vượt lên số phận. Bà chăm lo dựng vợ gả chồng cho 6 con một cách chu đáo. Bà có cách tìm hiểu nhân thân của con dâu, con rể tương lai bằng cách đích thân lặn lội đến quê hương và cơ quan công tác của họ để lắng nghe các ý kiến về người sẽ về làm dâu, rể nhà mình hoặc trực tiếp tiếp xúc với họ một cách khéo léo. Qua đó bà tỏ tường về nhân thân của họ và yên tâm về việc lựa chọn bạn đời của các con mình. Năm bà 65 tuổi, theo lời thỉnh cầu của vợ chồng tôi, bà đã tạm rời quê hương ra Hà Nội để chăm sóc con gái nhỏ chúng tôi đang ở trong khu tập thể cơ quan, để cả 2 vợ chồng tôi yên tâm tu nghiệp, nghiên cứu sinh ở Liên Xô và Cộng hòa dân chủ Đức cùng một thời gian. Bà được dân làng Nành (tức Ninh Hiệp ngày nay) tôn kính, tặng danh hiệu “Người Mẹ quê Nành 5 đời Khuyến học” bởi dã nêu gương sáng chăm lo 5 thế hệ gia đình chuyên cần học tập ở trường và tự học, góp vào cho xã hội: 1 Giáo sư, 4 Phó Giáo 3 sư, nhiều chục Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư, Bác sĩ, Cử nhân các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, trong đó có 1 người con dâu là Thày thuốc ưu tú, 2 người con trai là nhà văn, nhà thơ, 2 người cháu nội, ngoại đoạt các giải thưởng quốc tế về Y học và Toán học. Đại gia đình chúng tôi đã bảo nhau chọn ngày 17 tháng Mười một hàng năm - ngày Thày tôi được cấp tấm bằng học vấn nói trên - làm Ngày truyền thống Khuyến học của Đại gia đình. Năm nay, kỷ niệm 90 năm ngày Thày tôi được cấp bằng học vấn quý, chúng tôi hẹn nhau sẽ gặp mặt tại nhà bác trưởng là Kỹ sư - Nhà thơ Ngọc Căn để bày tỏ lòng biết ơn và noi gương các bậc tiên tổ và thân sinh kính quý. 3. Riêng tôi, tôi thầm cám ơn Ông Bà và Thày Mẹ, vì khi sinh hạ tôi (ngày 14 tháng Hai Đinh Hợi 1947), cần chọn chữ hay và đẹp, xứng đáng để đặt tên cho tôi, đứa con trai thứ, con thứ 5 trong gia đình, Thày Mẹ tôi đã có lời thưa với ông bà nội ngoại cho phép lấy chữ “Thiện” là một chữ trong 3 chữ quý trên bức hoành phi Thế Uẩn Thiện làm tên tôi, với ngụ ý sâu xa, kỳ vọng các thế hệ hậu sinh sẽ luôn khắc sâu ghi nhớ thực hiện tâm nguyện, định hướng của các bậc tiền bối về sự thượng tôn việc học tập và rèn luyện không ngừng để trở thành người con ngoan, trò giỏi, công dân có ích, tài năng mà khiêm tốn, phác thực mà phong lưu, bạt thiệp, khiến gia đình, láng giềng, dòng họ, quê hương và xã hội được nhờ cậy ít nhiều! Hà Nội, 6 tháng 3 năm 2022 4

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hồi ký Thơ phổ nhạc

Mình thăm Hollywood u s a -1 6 2021